Skip to main content

Giới thiệu chung

Xã Bình Phú là xã nông thôn thuộc huyện Châu Phú, có thế mạnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với hệ thống đê bao khá vững chắc, tổng diện tích tự nhiên 4.895ha, trong đó diện tích nông nghiệp 4.424 ha (bao gồm: Thủy sản 527ha, Trồng trọt 3897ha). Toàn xã có 13 tiểu vùng sản xuất, trong đó có 03 tiểu vùng sản xuất 03 vụ/năm, diện tích: 913 ha; 10 tiểu vùng sản xuất 02 vụ/ năm, diện tích: 2984 ha. Là xã có khí hậu nhiệt đới gió mùa: Tây Nam và Đông Bắc. Xã ít chịu ảnh của bão nhưng chịu tác động mạnh của quá trình thủy văn lũ lụt, sạt lở đất bờ sông,…
Vị trí địa lý của xã phía Đông giáp với xã Bình Long, phía Tây giáp với xã Vĩnh An và huyện Châu Thành, phía Nam giáp với kênh chữ S và xã Thạnh Mỹ Tây, phía Bắc giáp với kênh Cây dương và xã Bình Chánh. Hệ thống giao thông nông thôn được quan tâm chú trọng  nâng cấp nhựa hoá, bê tông hoá, rãi đá cấp phối,… tạo điều kiện thuận lợi giao thông, đáp ứng nhu cầu sản xuất vận chuyển hàng hóa, phục vụ tốt việc đi lại của bà con và học tập của học sinh. Có các sông lớn bao quanh và các kênh, rạch xẻ ngang cung cấp nguồn nước ngọt phong phú phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, giao thông thủy thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển, giao thương hàng hóa của người dân, lượng phù sa hàng năm bồi dắp làm cho đất đai màu mở, tươi tốt…
Xã có 6 ấp, gồm: Bình Quới, Bình Đức, Bình An, Bình Tây, Bình Thới, Bình Điền. Với tổng số dân là 7.395 người, 2015 hộ. Trong đó số người trong độ tuổi lao động là 5.622 người (lao động nam 3.063, chiếm 54,48%; lao động nữ 2.559, chiếm 45,52%). 
Xã có 03 cụm tuyến dân cư là tuyến dân cư trung tâm thuộc ấp Bình Đức, tuyến dân cư Bình Đức thuộc ấp Bình Đức, tuyến dân cư Nam kênh 10 – Tây kênh 13 thuộc ấp Bình An. Toàn xã có 01 bưu điện, 01 ban trị sự phật giáo Hòa hảo; 02 cơ sở tín ngưỡng dân gian (Miếu Thần nông và Dinh Đá nổi), 01 trạm Y tế; 01 trường  Mẫu giáo; 02 trường Tiểu học; 01 trường THCS, 01 hội trường đa năng, 06 sân bóng chuyền, 06 điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí cho người dân trên địa bàn xã.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 60,581 triệu đồng/người. Sản xuất nông nghiệp có bước tăng trưởng tốt, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, những giống cây dài ngày, năng suất và chất lượng sản phẩm thấp được thay thế bằng giống ngắn ngày, có năng suất và chất lượng cao. Chăn nuôi được mở rộng theo hướng gia trại; thực hiện theo phương thức nuôi công nghiệp; đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” cùng với các phong trào xây dựng “ấp văn hoá”, “gia đình văn hoá”, “cơ quan văn hoá” được phát động, triển khai sâu rộng và được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Cả hệ thống chính trị từ xã đến ấp tập trung cao triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp. Hoạt động thu gom rác thải, làm vệ sinh môi trường luôn có sự tham gia tích cực của tất cả các ban ngành đoàn thể và nhân dân trên địa bàn. Hệ thống nước sạch rộng khắp trên địa bàn, đảm bảo cho người dân được sử dụng nước sạch.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Dân chủ ở cơ sở ngày càng được phát huy. Phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, người dân ngày càng có nhiều sự đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng cầu, đường, các công trình vì cộng đồng...