Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang tập huấn thực trạng, tác hại, cách quản lý rác thải sinh hoạt, rác bảo vệ thực vật
Ngày 13/12/2024, tại văn phòng ấp Bình Thới, xã Bình Phú, hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang phối hợp cùng hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Phú tổ chức tập huấn thực trạng, tác hại, cách quản lý rác thải sinh hoạt, rác bảo vệ thực vật cho cán bộ, hội viên phụ nữ xã Bình Phú và xã Đào Hữu Cảnh. Đến dự có bà Nguyễn Thị Quyến – Phó Chủ tịch Thường trực hội LHPN tỉnh An Giang; bà Thái Thị Hồng Hoa – Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Phú.
Tại buổi tập huấn, 30 cán bộ, hội viên phụ nữ được nghe bà Nguyễn Thị Quyến – Phó Chủ tịch Thường trực hội LHPN tỉnh An Giang, tuyên truyền tổng quan về chất thải rắn sinh hoạt; tác hại của rác thải nhựa và hiện trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt và ô nhiễm môi trường; giá trị tiềm năng của chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt; cách tiếp cận, động lực và yếu tố thúc đẩy thay đổi hành vi của người dân hướng đến giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt; cơ sở pháp lý về phân loại và giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải tại nguồn và rác của vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi trên đồng ruộng và những khu vực xung quanh; giới thiệu một số mô hình đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực về bảo vệ môi trường cũng như về kinh tế thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn chị em hội viên phụ nữ phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt theo 3 nhóm: Nhóm hữu cơ dễ phân hủy (Thức ăn thừa, lá cây, rau củ quả, xác động vật); Nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (Giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh); Nhóm còn lại: Rác thải nguy hại, rác thải thông thường.
Thông qua công tác tập huận, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội viên phụ nữ trong công tác phân loại, thu gom, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả giúp giảm đi một lượng rác thải ra môi trường, giảm ô nhiễm, tiết kiệm nhiều khoản chi phí khác như thu gom, vận chuyển và xử lý. Mang lại nguồn kinh tế lớn từ các chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế. Chất thải thực phẩm được sử dụng làm phân bón, thức ăn chăn nuôi…từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng địa phương ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Đặng Trang